Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (tên giao dịch quốc tế: Airports Corporation of Vietnam - Viết tắt: ACV) là công ty cổ phần hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, được chuyển đổi từ Công ty TNHH Một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối theo Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Với đội ngũ gần 10.000 cán bộ, nhân viên, người lao động, ACV đang quản lý, đầu tư, khai thác khai thác hệ thống 22 cảng hàng không trong nước, bao gồm 09 cảng hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ và 13 cảng hàng không nội địa: Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Chu Lai, Đồng Hới, Nà Sản, Điện Biên và Thọ Xuân; góp vốn vào các công ty con và công ty liên doanh, liên kết.
Với giá trị cốt lõi doanh nghiệp: An toàn - Hiệu quả - Chất lượng, ACV luôn không ngừng nỗ lực đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động khai thác hàng không, song song với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm cho hành khách tại hệ thống cảng hàng không, sân bay của ACV.
Năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp chịu ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đặc biệt là làn sóng thứ 4 với những biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã phải triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch chưa có tiền lệ như giãn cách xã hội trong thời gian dài, hoạt động hàng không bị gián đoạn. Với trách nhiệm là Nhà khai thác cảng tại các cảng hàng không, sân bay, nơi tuyến đầu của phòng chống dịch bệnh, ACV tuyệt đối tuân thủ nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch của các cấp có thẩm quyền, chủ động xây dựng quy trình phục vụ hành khách, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, làm tốt công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh tại các cảng hàng không, sân bay. Tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của ngành hàng không nói chung và ACV nói riêng. Tổng doanh thu của ACV trong năm 2021 chỉ đạt 7.098 tỷ đồng, bằng 67,19% kế hoạch năm, giảm 30,51% so với năm 2020; nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng vận chuyển quốc tế thông qua toàn mạng cảng giảm mạnh (giảm tới 99% so với năm 2019); tất cả các nhóm doanh thu chính đều không đạt so với dự kiến và tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước, như: doanh thu dịch vụ hàng không giảm 36% so với năm 2020, doanh thu phi hàng không giảm 43% so với năm 2020, doanh thu bán hàng giảm 62% so với năm 2020.
Từ những khởi sắc tích cực sau khi đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát, tình hình khai thác tại các cảng hàng không của ACV cũng dần hồi phục và bắt đầu tăng trưởng. Cụ thể, sản lượng hành khách 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 66 triệu hành khách, trong đó hành khách nội địa ước đạt gần 61 triệu hành khách, tăng 19,9% so với năm 2019; hành khách quốc tế mặc dù chỉ đạt hơn 5 triệu hành khách, giảm 81,5% so với năm 2019 nhưng đã có xu hướng gia tăng qua các tháng. Trước những khởi sắc tích cực của thị trường hàng không và việc mở cửa trở lại của nhiều quốc gia trên thế giới, ACV luôn chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, giải pháp hoạt động sản xuất kinh doanh, thích ứng và đáp ứng sự hồi phục của thị trường hàng không hiện tại cũng như sự bùng nổ của thị trường trong tương lai.
Kế hoạch và định hướng phát triển
Với định hướng phát triển là một doanh nghiệp nhà nước có vai trò chủ đạo, nòng cốt trong lĩnh vực quản lý khai thác và đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; tạo động lực cho sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước, ACV xác định đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cảng hàng không, kết hợp với việc hiện đại hóa quy trình quản lý khai thác luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của hành khách trong nước và quốc tế.
Hiện tại, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan, ACV đang tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực thực hiện nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm của đất nước như: Dự án thành phần 3, dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, dự án xây dựng Nhà ga T3 – Tân Sơn Nhất; dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng HK Điện Biên; dự án mở rộng Nhà ga T2 và hạ tầng đồng bộ - Cảng HKQT Nội Bài; dự án xây dựng Nhà ga T2 và sân đỗ máy bay Cảng HKQT Phú Bài, dự án xây dựng Nhà ga T2 và sân đỗ máy bay Cảng HKQT Cát Bi… Xây dựng và thực hiện lộ trình chuyên đổi số của doanh nghiệp, phù hợp với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và định hướng của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, ACV đang tập trung số hóa dữ liệu, số hóa quy trình trong các lĩnh vực khai thác hàng không, phi hàng không với các ứng dụng áp dụng công nghệ mới trên thế giới. Với định hướng phát triển mô hình sân bay thông minh (Smart Airport) cho các cảng hàng không trực thuộc, ACV đã và đang ứng dụng, nâng cấp công nghệ không chạm (contactless), công nghệ sinh trắc học (Biometric) và trí tuệ nhân tạo (AI) đối với các phương tiện, tiện ích trong nhà ga từ khâu làm thủ tục check-in hàng không đến khu vực lên máy bay, từng bước triển khai ứng dụng hệ thống phối hợp ra quyết định tại cảng hàng không, sân bay (A-CDM). Bằng việc áp dụng công nghệ thông tin, ACV hi vọng giúp hành khách tiết kiệm thời gian tại các khu vực làm thủ tục hàng không, an ninh soi chiếu, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của hành khách tại cảng hàng không, sân bay.
Trách nhiệm đối với người lao động, cộng đồng, địa phương.
Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng, nghiêm trọng, nặng nề hơn tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội trong nước cũng như trên thế giới; ACV là một trong những chủ thể bị tác động trực tiếp và nặng nề, doanh thu sụt giảm mạnh, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Mặc dù vậy, Tổng công ty đã nghiên cứu, sắp xếp lao động hợp lý, duy trì công việc, thu nhập ổn định cho người lao động, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, thực hiện lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần tương thân tương ái, truyền thống “Đoàn kết”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách”, ACV đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đồng hành cùng cả nước chung tay phòng, chống dịch bệnh, tham gia tích cực phòng trào quyên góp: ACV đã ủng hộ 200 tỷ đồng cho Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 do Ủy ban Quản lý vốn phát động ; 30 tỷ ủng hộ chương trình Sóng và máy tính cho em; 01 tỷ đồng vào quỹ Chung một tấm lòng do đài Truyền hình Tp.HCM tổ chức; 03 tỷ đồng phục vụ công tác phòng chống dịch thông qua Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam; 500 triệu cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và thiết bị điện tử học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Long Thành, Đồng Nai; Ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho các chương trình từ thiện xã hội của các cơ quan báo chí; Đoàn Thanh niên ACV tham chương trình “Hành trình kết nối yêu thương” động viên, hỗ trợ cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 tại các chốt biên giới Tây Nam,… Ngoài ra, Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên Tổng công ty cũng đã tổ chức, tham gia nhiều hoạt động từ thiện, hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, tri ân các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với Cách mạng, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm hỏi các đối tượng chính sách và trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn…Trong năm 2021, cán bộ, nhân viên, người lao động ACV đã ủng hộ, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện vì cộng đồng với tổng số tiền là 8,814 tỷ đồng.
Danh hiệu và giải thưởng
Với những nỗ lực và thành tích đạt được, trong các năm gần đây, ACV đã được các cấp có thẩm quyền, tổ chức quốc tế ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu:
Huân chương Lao động Hạng Nhì của Chủ tịch nước năm 2021.
Huân chương Lao động Hạng 3 Thủ tướng chính phủ trao tặng cho Công đoàn Tổng công ty năm 2020.
Top 30 Doanh nghiệp nộp thuế tiêu biểu nhất trong 30 năm phát triển của ngành Thuế 2020.
Thành viên Ban Giám đốc điều hành Hội đồng sân bay quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương từ năm 2021.
5 lần liên tiếp đạt Doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc Châu Á (Asia- Pacific Entrepreneurship Award - APEA) 2018 – 2022.
4 lần liên tiếp được vinh danh hạng mục Nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam thuộc chương trình tư vấn và bình chọn “Nhãn hiệu nổi tiếng – Nhãn hiệu canh tranh Việt Nam” do Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức và bình chọn.
07 Cảng hàng không của ACV đạt chứng nhận An toàn chống dịch (Airport Health Accreditation - AHA) của ACI năm 2021: Cảng HKQT Nội Bài, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Cảng HKQT Đà Nẵng, Cảng HKQT Cam Ranh. Cảng HKQT Phú Quốc, Cảng HKQT Cát Bi, Cảng HK Liên Khương.
Với kết quả và thành tích đạt được, ACV đã chứng minh và khẳng định được vai trò, vị trí một doanh nghiệp quan trọng, đầu ngành của thị trường hàng không dân dụng tại Việt Nam; giữ vị trí, vai trò chủ đạo trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý khai thác hệ thống cảng hàng không, sân bay của đất nước, đóng góp không nhỏ trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước. Từ những khó khăn, dịch bệnh trong thời gian qua, ACV đang từng bước thích ứng và đi lên mạnh mẽ, hoàn thiện về mọi mặt để trở thành một thương hiệu Quốc gia vươn tầm Thế giới./.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP ( ACV)