Tình hình sản xuất thanh long Việt Nam
Việt Nam hiện nay là nước có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất Châu Á và cũng là nước xuất khẩu thanh long hàng đầu thế giới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, hiện nay có 60/63 tỉnh, thành trồng thanh long, với diện tích và sản lượng tăng rất nhanh. Nếu năm 1995 cả nước có hơn 2.200 ha trồng thanh long, sản lượng gần 23.000 tấn thì đến năm 2018 tăng lên gần 54.000 ha trồng thanh long (trong đó diện tích đang cho thu hoạch hơn 45.000 ha), sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 24 lần về diện tích và tăng hơn 46 lần về sản lượng.
Thanh long hiện được trồng ở 30 tỉnh thành, nhưng phát triển mạnh thành các vùng chuyên canh quy mô lớn tập trung ở các tỉnh Bình Thuận (29.000 ha), Long An (11.000 ha) và Tiền Giang (8.000 ha) chiếm 93,6% diện tích và 95,5 % sản lượng cả nước. Phần diện tích thanh long còn lại phân bố ở một số tỉnh miền Nam như Vĩnh Long, Trà Vinh, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và một số tỉnh Miền Bắc như Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Hà Nội.
Bình Thuận là thủ phủ cây thanh long với diện tích trên 22.000 ha, tổng sản lượng khoảng 400.000 tấn, chiếm 65,1% diện tích và 70% sản lượng cả nước. Bình Thuận cũng là địa phương đẩy mạnh sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với diện tích đạt trên 7.300 ha. Tiếp theo là Long An (chiếm 16,6% diện tích và 12,8% sản lượng) và đứng thứ ba là Tiền Giang (chiếm 11,4% diện tích và 12,2% sản lượng).
Tình hình xuất khẩu thanh long Việt Nam
Giá trị xuất khẩu thanh long của Việt Nam cũng tăng liên tục, từ hơn 57 triệu USD năm 2010, tăng lên hơn 483 triệu USD vào năm 2015 và đạt khoảng 1,1 tỷ USD năm 2018. Thị trường xuất khẩu thanh long lớn nhất là Trung Quốc chiếm trên 80%, kế đến là Singapore, Indonesia. Gần đây, Việt Nam đã mở cửa thêm thị trường khó tính đầy tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ, Australia. Tuy nhiên, xuất khẩu thanh long sang các thị trường như ASEAN, Hồng Kông vấp phải cạnh tranh ngày càng tăng từ các nước như Đài Loan, Thái Lan và Malaysia.
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất của thanh long Việt Nam. Thanh long được xuất khẩu sang Trung Quốc theo hai con đường:
+ Nhập khẩu theo con đường tiểu ngạch: Thanh long nhập khẩu tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc không có nhiều yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm hay nhãn mác bao bì. Chỉ cần đầu mối bên Trung Quốc đồng ý là có thể mua bán ngay tại cửa khẩu. Ngoài ra, thương lái Trung Quốc còn sang tận nơi xem hàng và thu mua trực tiếp.
+ Nhập khẩu theo đường chính ngạch: Sau khi gia nhập WTO, tiêu chuẩn rau quả nhập khẩu vào Trung Quốc tương đối khắt khe, bắt buộc phải kiểm dịch, tuân thủ quy định về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, nhãn mác, luật dán nhãn thực phẩm. Thanh long xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc phải áp dụng các tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, quy trình đăng ký tiêu chuẩn này không phức tạp, tương tự như quy trình lấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh thị trường Trung Quốc, thị trường ASEAN, Hong Kong và Đài Loan là những thị trường quan trọng của thanh long Việt Nam. Đây là các thị trường có ít rào cản khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm và nhãn mác bao bì hơn so với Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, đồng thời lại gần với Việt Nam về mặt địa lý nên khắc phục được tình trạng vận chuyển xa nâng chi phí lên cao. Cũng giống như Trung Quốc, đây là các thị trường truyền thống về tiêu thụ sản phẩm thanh long của Việt Nam và có nhu cầu về thanh long tương đối ổn định, đặc biệt có nhu cầu lớn vào các dịp lễ tết vì màu sắc, hình dáng và tên gọi của trái thanh long có ý nghĩa may mắn tại các quốc gia này.
Thanh long ruột trắng cũng rất được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản. Trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản, trái thanh long phải được Cơ quan bảo vệ thực vật của Việt Nam kiểm tra và cấp giấy chứng thực kiểm dịch không nhiễm sâu bệnh, đặc biệt ghi rõ không bị nhiễm ruồi đục quả. Sau đó, được Cục bảo vệ thực vật chứng nhận thanh long đã được tiến hành khử trùng tại nơi sản xuất bằng hơi nước nóng theo đúng nhiệt độ và quy trình phía Nhật Bản yêu cầu (Cục bảo vệ thực vật đóng dấu, dán giấy niêm phong).
Châu Âu cũng là thị trường nhập khẩu thanh long chủ yếu của Việt Nam. Mặc dù thanh long vẫn là một mặt hàng tương đối mới và chưa được quảng bá rộng rãi, giá thành lại cao, nhưng vẫn rất có triển vọng và thu hút được ngày càng nhiều sự yêu thích của người tiêu dùng EU. Nếu có thể giảm bớt giá thành và quảng bá rộng rãi hơn nữa về giá trị dinh dưỡng của trái thanh long, chắc chắn loại trái cây này sẽ đến được với đông đảo cộng đồng dân cư tại các quốc gia Châu Âu bên cạnh các quốc gia như Pháp, Ý, Nga và Hà Lan.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng vừa cấp phép nhập khẩu thanh long ruột đỏ, thanh long ruột trắng, chôm chôm, vải và nhãn của Việt Nam vào thị trường này. Trong thời gian tới, Hoa Kỳ sẽ tăng cường nhập khẩu mặt hàng thanh long Việt Nam. Các nhà phân tích cho biết đây là thị trường sẽ phát triển nhanh và mạnh trong thời gian tới, bằng chứng là các chủ trang trại ở Florida và California đã bắt đầu tiến hành trồng thanh long để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tiêu chuẩn thanh long xuất khẩu
+ Quy cách đóng gói trái thanh long xuất khẩu: Từ 300 - <490gram/trái với 50-52 trái/thùng carton 21kg, hoặc lớn hơn 500g/trái với khoảng 36 trái/thùng carton 21kg.
+ Trọng lượng trái thanh long xuất khẩu đối với một số thị trường:
- Thị trường Châu Âu : 250 - 300 gram/trái.
- Thị trường Trung Quốc : 400 - 600 gram/trái.
- Thị trường Singapore : 300 - 500 gram/trá
- Thị trường Hồng Kông : >400 gram/trái.
+ Yêu cầu trái thanh long xuất khẩu:
- Trái còn nguyên vẹn, không bị trầy xước, vết đốm (do nắng hoặc bệnh).
- Trái có hình dạng đẹp, vỏ láng, có màu đỏ đều trên 70%, khoang mũi sâu 1 cm và trái không có mũi nào lồi lên.
- Tai thẳng, cứng, xanh, dài >1,5 cm.
- Thịt trái có màu trắng và cứng, hạt đen.
Bảo quản và vận chuyển thanh long xuất khẩu
Để bảo quản lâu và thuận tiện vận chuyển xa, nên dùng loại bao PE có đục 20-30 lỗ bằng kim may để bao trái. Bao khi được hàn kín và bảo quản trong môi trường lạnh 5°C với ẩm độ 90% - 95% có thể giúp giữ trái tươi được 40 - 45 ngày. Sau đó bao được đưa vào các thùng các-tông có vách ngăn để vận chuyển. Trong quá trình vận chuyển, không nên vận chuyển chung thanh long với các loại hàng hoá khác để tránh gây ô nhiễm sản phẩm đồng thời, kho chứa sản phẩm và phương tiện dùng vận chuyển cũng cần được thường xuyên khử trùng. Lưu ý ở nhiệt độ 28°C, độ ẩm 70% thời gian bảo quản thanh long chỉ được một tuần.
Xu hướng tiêu dùng thanh long của thế giới
Thanh long cũng giống như các sản phẩm nông nghiệp khác, sản phẩm hữu cơ đang ngày càng trở thành một xu hướng ưa thích trên thị trường. Tuy nhiên, nguồn cung thanh long hữu cơ còn rất hạn chế, hiện ở Hoa Kỳ mới có một trang trại tại Florida cung cấp thanh long hữu cơ. Việt Nam cũng đã có những lô hàng thanh long hữu cơ xuất khẩu từ vườn thanh long hữu cơ tại Long An thông qua Công ty Cổ phần Nông nghiệp GAP. Ngoài ra, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng những sản phẩm tiện lợi và phong phú như thanh long sấy khô, nước ép thanh long, thanh long ăn liền, thanh long nghiền đông lạnh…với thời gian lưu trữ được lâu hơn, chi phí vận chuyển và bảo quản sẽ giảm, trái thanh long Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội vươn xa và thâm nhập nhiều thị trường mới hơn.